Niềm vui của cô giáo cấp 1 sau 12 năm về nhà chồng

Vi Thảo

(Dân trí) - Nhờ chương trình "mái ấm công đoàn", cô giáo Phạm Thị Thu Trang (ở tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có thể thực hiện được ước mơ có căn nhà riêng cho gia đình, ổn định cuộc sống sau 12 năm lập gia đình.

Sáng 24/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức khởi công xây dựng nhà "mái ấm công đoàn" cho đoàn viên Phạm Thị Thu Trang (38 tuổi, giáo viên thuộc Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Tây Bắc Sơn, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền).  

Đây là 1 trong 12 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa "mái ấm công đoàn" thuộc khuôn khổ Tháng công nhân năm 2024.

Niềm vui của cô giáo cấp 1 sau 12 năm về nhà chồng - 1

Ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng "mái ấm công đoàn" cho chị Phạm Thị Thu Trang (Ảnh: Vi Thảo).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Trang cho biết chị cưới chồng từ năm 2012 và hiện 2 vợ chồng có 3 con nhỏ.

Trong suốt 12 năm qua, do kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, gia đình chị Trang chưa có điều kiện làm nhà riêng, phải ở chung với bố, mẹ và các anh, chị, em chồng trong căn nhà cấp 4 có diện tích nhỏ hẹp, xây dựng từ lâu.

Do phải chia sẻ không gian sống với nhiều thành viên, nên các sinh hoạt riêng tư của gia đình chị Trang gặp nhiều bất tiện, nhất là khi các con ngày càng lớn.

"Được lãnh đạo các cấp hỗ trợ, bản thân tôi rất vui mừng. Dù khó khăn nhưng vợ chồng tôi sẽ vay mượn thêm, cất căn nhà riêng, trước mắt là xây thô để ở rồi hoàn thiện dần. Đây thực sự là nguồn động viên tinh thần to lớn để chúng tôi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ", chị Trang chia sẻ.

Anh Dương Đại, chồng chị Trang, cho biết bản thân là lao động tự do, công việc và thu nhập không ổn định. Từ khi cưới vợ cho đến nay, anh đã trải qua nhiều công việc như làm nhân viên kỹ thuật của Viettel, bảo vệ khu du lịch, sau đó phải nghỉ ở nhà, ai kêu gì làm nấy.

"Rất may là gia đình tôi ở quê, bố mẹ còn đất chia cho làm nhà. Hy vọng căn nhà sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão sắp tới, để vợ chồng, con cái có nơi an cư", anh Đại nói.

Niềm vui của cô giáo cấp 1 sau 12 năm về nhà chồng - 2

Khởi công xây dựng "mái ấm công đoàn" cho gia đình đoàn viên Phạm Thị Thu Trang (Ảnh: Vi Thảo).

Theo ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình nhà ở "mái ấm công đoàn" đã và đang trở thành một trong những hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, khẳng định giá trị "tổ ấm" đích thực của tổ chức công đoàn.

Chương trình góp phần tích cực trong việc xóa nhà tạm, dột nát, giúp nhiều gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn được sống trong những ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình, giúp họ an cư lạc nghiệp, vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị các cấp có thẩm quyền nâng mức hỗ trợ kinh phí xây dựng "mái ấm công đoàn" lên 50-60 triệu đồng/đoàn viên.

Sáng 24/4, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động, làm chết 5 người.

Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 có chủ đề "Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" và Tháng công nhân với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết".

Niềm vui của cô giáo cấp 1 sau 12 năm về nhà chồng - 3

Đại diện các cơ quan, ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi đoàn viên bị tai nạn lao động có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: Vi Thảo).

Trong khuôn khổ lễ phát động, ban tổ chức đã trao tặng 10 suất quà trị giá 10 triệu đồng cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 12 nhà "mái ấm công đoàn", tổng trị giá 380 triệu đồng.

Các cơ quan, ban, ngành đã đến thăm hỏi, động viên đoàn viên, gia đình đoàn viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.