1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân đội Nhật Bản "đau đầu" giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục

CTV

(Dân trí) - Nhật Bản tăng cường kêu gọi phụ nữ nhập ngũ, nhưng chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để bảo vệ các nữ quân nhân khỏi nạn quấy rối tình dục.

Quân đội Nhật Bản đau đầu giải quyết vấn nạn quấy rối tình dục - 1

Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) tham gia hội thảo về ngăn chặn hành vi quấy rối (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, khi Nhật Bản tiến hành một cuộc mở rộng quân sự quy mô lớn, họ đã gặp khó khăn trong việc bổ sung đội ngũ quân nhân nữ mà lực lượng đang cần và cam kết của các nhà hoạch định chính sách.

Sau các vụ bê bối về quấy rối tình dục, số phụ nữ đăng ký gia nhập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã giảm 12% vào tháng 3/2023, sau nhiều năm tăng trưởng ổn định.

Giải thích cho sự suy giảm trên, một số nạn nhân cho biết nguyên nhân có thể do văn hóa quấy rối, khiến phụ nữ không còn muốn cống hiến cho quân đội.

Theo một báo cáo công bố hồi tháng 8/2023, hội đồng do chính phủ Nhật Bản chỉ định cho hay quân đội đã triển khai các chương trình đào tạo về phòng chống quấy rối tình dục một cách qua loa và hời hợt. Đây là một trong nhiều yếu tố góp phần hình thành vấn nạn quấy rối trong tổ chức.

Trả lời phỏng vấn Reuters, một nạn nhân bị quấy rối tình dục chia sẻ cô cảm thấy các chương trình tập huấn phòng chống quấy rối mà cô từng tham gia trong 10 năm qua hầu như không giúp ích được gì.

Phụ nữ chỉ chiếm 9% số lượng quân nhân ở Nhật Bản. Trong khi đó, ở Mỹ, đồng minh an ninh chủ chốt của Nhật Bản, con số này chiếm tới 17%.

Theo Reuters, trong một email phản hồi, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết quấy rối "không bao giờ được phép xảy ra, vì nó phá hủy lòng tin giữa các quân nhân và làm suy yếu sức mạnh của quân đội".

Bộ Quốc phòng Nhật Bản chia sẻ rằng họ đã tổ chức các buổi giảng về phòng chống quấy rối do chuyên gia hướng dẫn từ năm 2023, chuyển các buổi học sang hình thức thảo luận nhiều hơn và dự định mời các chuyên gia đánh giá chương trình đào tạo của bộ trong năm nay.

Tuy nhiên, Bộ không trả lời các câu hỏi về việc liệu họ có thực hiện khuyến nghị của nhóm chuyên gia về việc tập trung giám sát đào tạo hay không.

Sau khi cựu quân nhân Rina Gonoi công khai cáo buộc tấn công tình dục vào năm 2022, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tiến hành một cuộc khảo sát trong năm đó, phát hiện ra hơn 170 cáo buộc quấy rối tình dục trong SDF.

Một số sĩ quan lo ngại việc tập trung quá nhiều vào một chủ đề nhạy cảm như quấy rối tình dục có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nội bộ và phát sinh các vấn đề trong việc giải quyết khiếu nại.

Chia sẻ về cách giải quyết tình trạng quấy rối tình dục trong quân đội, Reuters dẫn lời một giáo sư luật cho biết Nhật Bản có thể học hỏi từ quân đội các nước khác.

"Mỹ, Anh và Pháp đã ngăn chặn hành vi quấy rối từ trong gốc rễ. Cụ thể, các chương trình tập huấn phòng chống quấy rối tình dục tại các quốc gia này tập trung vào việc cải thiện môi trường và xây dựng văn hóa tổ chức nhiều hơn", giáo sư trên nói.

Bùi Thúy

Theo Reuters