DNews

"Cô gái sa mạc" Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới

Thế Nam

(Dân trí) - Thanh Vũ (tên đầy đủ là Vũ Phương Thanh) được mệnh danh là người phụ nữ bền bỉ nhất Việt Nam, khi lần lượt phá vỡ mọi giới hạn ở các cự ly marathon siêu dài tại các giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới.

"Cô gái sa mạc" Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới

Nhắc đến Thanh Vũ, từ vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp cho đến các VĐV phong trào của Việt Nam đều phải ngả mũ thán phục. Sau những gì mà cô gái người Hà Nội sinh năm 1990 đã chinh phục ở các giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới, không một ai phải nghi ngờ khi người ta gọi Thanh Vũ là "người phụ nữ Việt Nam bền bỉ nhất thế giới".

Năm 2016, Thanh Vũ trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên chạy qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, gồm: Sahara, Gobi, Atacama, Nam Cực ở giải chạy siêu bền quốc tế 4 (Deserts Grand Slam) với tổng chiều dài lên đến 1000km chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 11/2016).

Năm 2022, Thanh Vũ trở thành nữ vận động viên Việt Nam đầu tiên vô địch cuộc đua 3 môn phối hợp (The Deca Ultratriathon) sau khi vượt qua quãng đường 2.260km, trong đó cô đã bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy bộ 422km. 

Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 1

VĐV Vũ Phương Thanh (Thanh Vũ) là người Việt Nam đầu tiên hoàn thành thử thách giải chạy 500km trên tuyết được tổ chức ở Thụy Điển hồi tháng 3 năm nay (Ảnh: NVCC).

Đầu năm 2024, Thanh Vũ tiếp tục hoàn thành 500km trên tuyết trong giải chạy khắc nghiệt Montane Lapland Arctic Ultra tại Thụy Điển, dưới nhiệt độ -10 độ C và hoàn thành trong vòng 10 ngày.

Vào cuối tháng 5 này, Thanh Vũ sẽ tham gia giải chạy marathon tại núi Everest trong lần tổ chức thứ 19 của giải đấu và sau đó tiếp tục thử thách mình với giải đấu dài nhất trong lịch sử 3 môn phối hợp (Triple Deca) vào tháng 9. Trước khi tham gia những giải đấu được xem là rất khắc nghiệt nói trên, Thanh Vũ đã có cuộc trò chuyện với Dân trí.

Chào Thanh Vũ, vừa mới đây bạn khiến nhiều người nể phục khi hoàn thành giải chạy Montane Lapland Arctic Ultra 2024 tại Thụy Điển. Đây là một trong những giải chạy được xem là khắc nghiệt nhất thế giới. Bạn có thể kể thêm về hành trình chinh phục thử thách mà rất hiếm người đạt được?

- Đó là giải chạy mà tôi đã đặt mục tiêu thực hiện từ nhiều năm trước. Giải chạy này thiên về tính sinh tồn, nó gần giống như là một cuộc thám hiểm. Hồi năm 2016 khi tôi tham gia chuỗi giải chạy 4 sa mạc thì có một bạn trong đoàn cũng từng trải qua thách thức như vậy tại Canada. Đó là một cuộc thi rất khắc nghiệt, dài 700km và nhiệt độ trung bình xuống -50 độ.

Từ những năm đó tôi đã tò mò và không biết mình có khả năng tham gia giải chạy như vậy được không. Tôi bắt đầu luyện tập, đầu tiên là luyện tập bằng việc kéo bánh xe. Những lần đầu tập kéo bánh xe trong quãng đường 10km tôi thấy rất là đau, đầu gối ê ẩm kéo dài trong nhiều ngày liền.

Đầu gối tôi đã có dấu hiệu chấn thương từ năm 2017, cản trở tôi rất nhiều trong việc tập luyện cho một giải đấu dài đòi hỏi thể chất cao như Montane Lapland Arctic Ultra 2024. Ngay cả giải chạy sa mạc đeo ba lô trên người đã khó vì nặng rồi, mà giải này còn khó hơn.

Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 2
Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 3

Ở giải chạy này, VĐV rất ít tiếp xúc với ban tổ chức, với tình nguyện viên trên đường. Các điểm dừng nghỉ để tiếp nước, để kiểm tra sức khỏe rất ít, cách nhau tới 60km, có khi chạy cả ngày trên đường không một bóng người, phải ngày hôm sau mới thấy mọi người nên giải đấu đòi hỏi sự tự lập rất là nhiều.

Giải đấu rất là khó nhưng nó giúp tôi tiếp cận các kỹ năng sinh tồn cần thiết để tới với giải đấu tại Canada sau này. Việc hoàn thành được giải đấu này năm nay giúp tôi học hỏi được thêm rất nhiều điều.

Năm 2022, tôi đã từng đăng ký tham dự giải đấu nhưng bị mắc Covid-19 nên Ban tổ chức từ chối. Đó là nỗi buồn sâu sắc bởi tôi đã làm hết các thủ tục, phải rất khó khăn để có mặt ở Thụy Điển nhưng sau đó bị cô lập suốt 6 ngày trong căn nhà gỗ để tránh lây Covid-19.

Đó là một trải nghiệm rất buồn. Còn ở giải đấu 2024, có những thời khắc tôi cảm thấy mệt mỏi, hoảng loạn, lo lắng không biết mình có hoàn thành được chặng đua hay không.

Nhưng rồi tự động viên mình, rằng để có mặt được tại đây, được tham gia thi đấu, là một vinh dự rồi. Nó vẫn hơn là việc phải nằm trong căn nhà gỗ suốt 6 ngày, biệt lập với thế giới xung quanh như hai năm trước. 

Đó là giải đấu có 3 hình thức là đi bộ, đạp xe bánh to hay ván trượt tuyết. Vì sao bạn chọn hình thức đi bộ và bạn đã tập luyện như thế nào để có thể chinh phục hành trình ở Thụy Điển vừa qua?

- Tôi chọn hình thức đi bộ, bởi đạp xe bánh to hay ván trượt tuyết là những kỹ năng tôi chưa có thời gian thích ứng. Lúc bắt đầu giải chạy, nhiệt độ rất ấm, lúc đó khoảng 1, 2 độ  C nên tuyết chảy rất nhiều, tuyết nhũn xuống như cát nên đạp xe bánh to trên tuyết rất khó, không khả thi lắm bởi mọi người phải dắt xe lên xuống dốc rất khó, lại còn phải chở theo đồ đạc nặng.

Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 4

Thanh Vũ tranh thủ ngủ trong quá trình chinh phục những cự ly siêu marathon khắc nghiệt (Ảnh: NVCC).

Nhưng khi nhiệt độ xuống sâu hơn, đạp xe bánh to lại là một lợi thế. Nói chung mỗi hình thức ở giải đấu này đều có một độ khó và có sự khác biệt riêng. Hình thức ván trượt tuyết cũng vậy vì nó sử dụng kỹ thuật khác. Giải đấu này đòi hỏi các VĐV phải có sự chuẩn bị kỹ càng, không chỉ về dụng cụ mà còn cách thức dự thi.

Trong suốt chặng đường, đã có rất nhiều VĐV, thậm chí là nam giới phải bỏ cuộc nhưng bạn vẫn gây kinh ngạc khi về đích đúng thời gian. Ở giải chạy đó có khi nào, thời điểm nào khiến bạn muốn bỏ cuộc không, và nếu không thì động lực nào để giúp bạn vượt qua?

- Giải chạy ban đầu có 19 người tham gia nhưng kết thúc chỉ có 16 người cán đích. Thực ra đối với những người tham gia giải này thì họ đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Họ hiểu được lý do vì sao muốn tham gia và làm thế nào để hoàn thành giải đấu. Không ai bỏ cuộc trừ phi có những trắc trở không thể vượt qua.

Với tôi thì để tham gia giải đấu, tôi đã phải trải qua quá trình tập luyện nhiều năm nên luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức, không bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc sau những gì mình đã nỗ lực.

Nhắc đến Thanh Vũ, nhiều người vẫn nhớ đến kỳ tích khi trở thành nữ VĐV Việt Nam đầu tiên vô địch giải 3 môn phối hợp khắc nghiệt nhất hành tinh vào năm 2022. Bạn có thể chia sẻ thêm về kỷ niệm đẹp này?

- Tôi nghĩ giải đấu nào cũng khắc nghiệt, vì mọi người đang nghĩ về những khía cạnh khó khăn mà các VĐV phải trải qua. Thật ra rất khó nói giải nào khắc nghiệt hơn giải nào, giải nào khó hơn giải nào, bởi mỗi giải đấu lại có một đặc tính khác nhau.

Có giải chạy khó khăn vì chạy ở độ cao không có nhiều oxy, có giải chạy ở địa hình đặc thù và luật chơi khó hơn.

Nhưng giải năm 2022 là giải giúp tôi nhiều điều bổ ích, truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Đó cũng là giải đầu tiên giúp tôi đặt chân vào thế giới 3 môn phối hợp, tôi học hỏi được nhiều người trong cuộc từ giải đấu.

Các VĐV thi đấu ở giải đều là những người rất bình dị, họ là bà, là bác, là chú, nhiều người độ tuổi trên 50, 60 mà họ vẫn có sự dẻo dai, có ý chí.

Bản lĩnh kiên cường của họ là những gì mà tôi học hỏi và cũng là lý do vì sao tôi thích các giải chạy siêu bền như vậy. Ở đó mình quan sát được giới hạn con người rất là bao la. Giới hạn con người dường như vô tận mà chúng ta không thể khám phá hết được.

Với nhiều người, để bơi một quãng đường 5km, đạp xe liên tục 100km hay chạy bộ 42km đã là quá sức tưởng tượng, đằng này bạn có thể hoàn thành siêu thử thách khi bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy 422km liên tục. Bạn có thể chia sẻ bí quyết?

- Để hoàn thành một giải chạy, thực ra mỗi người sẽ có một cách tập luyện khác nhau. Đa phần khi mà ở độ dài như thế thì việc duy trì được sức bền, với một cường độ vừa phải rất là quan trọng. Cường độ vừa phải được định lượng là chỉ số đo nhịp tim, ví dụ chạy 100m chẳng hạn thì cường độ phải 100% và nhịp tim cao nhất có thể.

Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 5
Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 6
Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 7
Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 8

Nhưng ở cự ly dài thì cường độ sẽ thấp hơn bởi chúng ta phải duy trì thể lực dài hơn, nhịp tim chỉ từ 60% đến 70%. Giữ được nhịp tim của mình, giữ được sức bền của mình cho hàng chục tiếng, thậm chí hàng trăm tiếng đồng hồ là điều rất quan trọng.

Điều này cần có thời gian tập luyện để xây dựng cho mình một nền tảng sức bền nhất định. Chân mình, tay mình, người mình hay chính xác là các cơ mình sử dụng phải có sự bền bỉ qua những cự ly dài và thời gian dài.

Khi mà đã xây dựng được nền tảng đó rồi thì không có nghĩa mọi chuyện đều thuận lợi. Cá nhân tôi vẫn hay gặp chấn thương, bởi qua chặng đường dài thì các khớp gối, các sụn chêm đều bị tổn thương.

Thế nên khi tôi tập luyện vẫn không được bào mòn nó quá. Mọi người có thể thấy tôi tập luyện không duy trì cự ly lớn như hồi trước nữa, thay vào đó chỉ khoảng 80km đến 120km mỗi tuần. Lý do bây giờ tôi đã có nền tảng sức bền rồi nên không còn cày ải như trước. Thay vào đó tôi tập trung vào tư thế, dáng chạy, dáng bơi đạt chuẩn nhất.

Nên nhớ khi chúng ta mệt thì các cơ khó giúp chúng ta giữ đúng tư thế, phom chạy, dẫn tới dễ chấn thương. Những chấn thương ban đầu có thể nhỏ, nhưng qua cự ly dài hàng chục hay hàng trăm cây số thì nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, gây cản trở rất lớn với VĐV trong mục tiêu hoàn thành giải đấu.

Trong quá trình tập luyện, tôi có thể tập trung vào những mô cơ rất nhỏ để nó có thể hỗ trợ những mô cơ lớn hay hỗ trợ những vùng dễ tổn thương. Vì vậy tôi có thể tập những bài tập rất chán, nó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều tiếng đồng hồ trong phòng gym.

Thông thường mọi người dễ chán nản với các bài tập này nhưng tôi thì không, vì tôi biết mục tiêu của tôi ở các giải đấu khắc nghiệt nên không cho phép mình chán nản.

Như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người từng giành HCV Olympic từng chia sẻ với tôi khi anh ấy tập, có những bài tập bắn anh ấy phải tập mỗi đứng ngắm thôi rất là chán. Nó không hào hứng như bài tập bắn.

Ở mỗi bài tập tôi đều hiểu điều đó có tác dụng gì, giúp ích gì cho mình. Nhiều người hỏi sao thi đấu ở cự ly siêu dài mà lại tập ít thế, tập cự ly ngắn thế. Với tôi thì bài tập không nhất thiết cứ phải chạy thật nhiều, bơi thật nhiều mà quan trọng là nó phù hợp với bản thân mình. Đặc biệt là nó giúp mình tránh được những chấn thương trong quá trình luyện tập.

Thanh Vũ được biết đến là người phụ nữ châu Á đầu tiên chạy qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới. Điều đó để lại kỷ niệm gì với bạn?

- Đó là một thử thách rất thú vị, nó cho tôi đặt chân đến những vùng đất mà tôi không nghĩ mình có thể đến được. Nó giúp tôi có những trải nghiệm, không chỉ về thể chất mà cả về tâm hồn. Nó giúp tôi bước chân ra khỏi vùng an toàn, từ một nhân viên ngồi ghế văn phòng đang làm việc tại Singapore để khám phá thế giới.

Dường như Thanh Vũ sinh ra để chinh phục những điều mà ít người làm được, nhưng có lần bạn kể rằng bạn không phải là người có năng khiếu thể thao. Vậy đâu là bí quyết để làm nên một Thanh Vũ như ngày hôm nay?

- Khi đặt ra mục tiêu thì tôi cũng phải ngẫm nghĩ rất sâu, tôi luôn tự hỏi mình muốn trở thành người như thế nào, mình muốn mình là ai, tại sao mình bước tới thách thức này. Nói về mặt thể chất thì tôi không phải là một người có năng khiếu, tài năng thiên bẩm. Bù lại tôi có ý chí.

Cô gái sa mạc Thanh Vũ và trải nghiệm giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới - 9

Thanh Vũ sẽ tham dự giải Triple Deca - giải 3 môn phối hợp dài nhất trong lịch sử thế giới vào tháng 9 tới (Ảnh: NVCC).

Ngoài đời tôi là một người khá là cân bằng, không có quá ham hố cái này cái kia. Tôi thích khoảng thời gian thư giãn nằm nhà xem tivi, đi chơi với bạn bè. Đặt ra những thách thức cho bản thân, tôi thấy mình tốt hơn kể cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Khi có lý do rõ ràng thì tinh thần sẽ rất thoải mái, giúp tôi hướng tới đích đến của mình.

Tôi là người có tính tò mò cao, rất thích thử cái này cái kia. Ngoài đời tôi là một người bình thường, nhưng vì tôi tập trung cho những mục tiêu lớn nên đơn giản hóa những việc khác. Quan trọng là tôi giữ tâm lý cho mình ổn định, sức khỏe tốt.

Sau những giải đấu đã chinh phục, bạn có đặt cho mình những mục tiêu tiếp theo?

- Danh sách những mục tiêu tiếp theo của tôi rất là dài và năm nay sẽ là một năm khá thách thức với bản thân.

Cuối tháng 5 này tôi sẽ tham gia giải Everest Marathon và đầu tháng 9 tôi sẽ tham gia giải  3 môn phối hợp dài nhất trong lịch sử từ trước tới nay là Triple Deca. Giải 3 môn phối hợp này chưa từng được tổ chức trên thế giới và cự ly dài gấp 3 lần so với giải đấu vào năm 2022.

Cuối cùng, để nhắc tới một câu châm ngôn cuộc sống, bạn sẽ nói điều gì?

- Tôi không nhớ câu châm ngôn nào hay, nhưng với tôi cuộc sống là một món quà quý giá nên tôi luôn trân trọng nó. Khi mình trân trọng nó thì mình sẽ biết phải sống cuộc sống như thế nào cho ý nghĩa.

Xin cảm ơn Thanh Vũ về cuộc trò chuyện này!