1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

5 tỉnh, thành cân đối tối đa vốn làm Vành đai 4 TPHCM

Thư Trần

(Dân trí) - TPHCM và 4 tỉnh có đường Vành đai 4 đi qua cần rà soát, cân đối nguồn vốn ngân sách để đề xuất Trung ương hỗ trợ, sớm đầu tư, triển khai dự án.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản gửi lãnh đạo các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về tình hình triển khai dự án Vành đai 4 TPHCM.

Theo đó, lãnh đạo UBND TPHCM đề nghị lãnh đạo 4 tỉnh trên chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 đoạn qua từng địa bàn.

Riêng TPHCM được Thủ tướng giao là cơ quan chủ trì trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.

Đối với việc đầu tư các công trình cầu có vị trí giáp ranh giữa các tỉnh (Thủ Thiêm kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; cầu Bàu Cạn kết nối tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), TPHCM đề nghị các tỉnh trao đổi, thống nhất phương án đầu tư và thực hiện trình tự thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định.

Về nguồn vốn, UBND tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM chủ động tính toán theo hướng cân đối tối đa khả năng ngân sách địa phương (theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc họp ngày 15/4 ở tỉnh Bình Dương). Đồng thời, các địa phương cần đề xuất nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện dự án.

Đối với đoạn Vành đai 4 TPHCM qua Long An, TPHCM đề nghị tỉnh rà soát khả năng cân đối vốn ngân sách địa phương để đề xuất các phương án phân kỳ đầu tư phù hợp, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện.

5 tỉnh, thành cân đối tối đa vốn làm Vành đai 4 TPHCM - 1

Điểm đầu của đường Vành đai 4 khi nối từ tỉnh Bình Dương vào TPHCM là đoạn cắt qua bờ sông Sài Gòn khu vực đường Bàu Lách giao với tỉnh lộ 15, huyện Củ Chi (Ảnh: Hải Long).

Về cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM đề nghị UBND tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế để thực hiện sau khi các dự án được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Các địa phương có trách nhiệm gửi UBND TPHCM tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. 

Vành đai 4 TPHCM đi qua 5 tỉnh thành (TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), dài 207km, được đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT). Tổng mức đầu tư ước tính 106.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư theo quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có làn dừng khẩn cấp liên tục, dải phân cách giữa).

Các địa phương sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt (8 làn hoàn chỉnh) để thuận lợi cho việc mở rộng đường trong tương lai.