1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự án thủy lợi đội vốn ở Đắk Lắk được kéo dài thời gian thực hiện

Thúy Diễm

(Dân trí) - Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa chậm tiến độ đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk thống nhất điều chỉnh tăng thời gian thực hiện, điều chỉnh kinh phí ngân sách tỉnh cho dự án này.

Ngày 3/5, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 12 để xem xét, cho ý kiến và thông qua các tờ trình, dự thảo nghị quyết đối với nhiều nội dung quan trọng.

Tại Kỳ họp, HĐND quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng của tỉnh, trong đó có dự án Hồ chứa nước tại huyện Cư Kuin và huyện Lắk.

Dự án thủy lợi đội vốn ở Đắk Lắk được kéo dài thời gian thực hiện - 1

Dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa chậm tiến độ, "đội" vốn giải phóng mặt bằng (Ảnh: Thúy Diễm).

Dự án này có 2 công trình hồ chứa là hồ Yên Ngựa (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (xã Yang Tao và Bông Krang, huyện Lắk).

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 305,5 tỷ đồng (giai đoạn 1, ngân sách trung ương khoảng 104 tỷ, ngân sách địa phương 57 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 143 tỷ đồng sẽ tiếp tục đề xuất vốn Trung ương, sử dụng vốn địa phương).

Theo kế hoạch đến năm 2022, dự án hoàn thành đi vào sử dụng, nhưng do "đội" vốn giải phóng mặt bằng (từ 47,8 tỷ đồng được đề nghị tăng lên trên 181 tỷ đồng), phía chủ đầu tư đề xuất tổng vốn đầu tư dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa từ 305,5 tỷ đồng lên 480 tỷ đồng (đội vốn trên 174 tỷ đồng).

Dự án thủy lợi đội vốn ở Đắk Lắk được kéo dài thời gian thực hiện - 2

Dự án đội vốn thêm 174 tỷ đồng (Ảnh: Thúy Diễm).

UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Trung ương cho điều chuyển 96 tỷ đồng từ dự án Hồ chứa nước Ea Khít (huyện Cư Kuin) sang đầu tư dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa nhưng chưa được đồng ý.

Báo cáo tại Kỳ họp, ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết, trong quá trình thực hiện dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa do cập nhật chi phí đền bù tái định cư theo thực tế tại thời điểm thu hồi đất dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án.

Theo ông Tuyên, tháng 5/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có tờ trình gửi Bộ KH&ĐT về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương tỉnh Đắk Lắk, trong đó, có nội dụng điều chỉnh thực hiện đầu tư Hồ chứa nước Ea Khít để bổ sung vốn cho dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa.

Dự án thủy lợi đội vốn ở Đắk Lắk được kéo dài thời gian thực hiện - 3

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk báo cáo tại kỳ họp Ảnh: Thúy Diễm).

"Đến nay chưa được Trung ương thống nhất nên vẫn chưa xác định nguồn vốn để điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án. Vì tính cấp thiết của dự án, trường hợp tiếp tục kéo dài thời gian điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án như thời gian qua, có nguy cơ phát sinh các điểm nóng về an ninh trật tự tại địa bàn huyện Cư Kuin. Do đó, đề xuất HĐND tỉnh thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án", Giám đốc Sở KH&ĐT kiến nghị.

Cụ thể, đề xuất điều chỉnh quy mô dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa từ tổng dung tích 3,104 triệu m3 xuống còn 3,021 triệu m3. Tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh dự kiến 432 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 104 tỷ đồng (giữ nguyên nguồn đầu tư ban đầu giai đoạn 1); còn lại hơn 327 tỷ đồng là của địa phương (thay đổi so với ban đầu). Thời gian thực hiện dự án 2018-2022 thành năm 2018-2025.

Dự án thủy lợi đội vốn ở Đắk Lắk được kéo dài thời gian thực hiện - 4

Các đại biểu tham gia Kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Lắk đồng ý thống nhất nghị quyết được đề xuất (Ảnh: Thúy Diễm).

Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, phần còn thiếu của dự án khoảng 264 tỷ đồng dự kiến lấy từ nguồn tăng thu sử dụng đất và tiết kiệm chi vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh năm 2021 khoảng 178 tỷ đồng và còn lại hơn 86 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách tỉnh.

Kết thúc Kỳ họp chuyên đề thứ 12, HĐND tỉnh Đắk Lắk thống nhất chủ trương điều chỉnh dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa như các phương án đề xuất.

Như Dân trí đã có nhiều bài phản ánh về dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa đã chậm tiến độ, đội vốn cả trăm tỷ đồng và cả bất cập trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khiến người dân địa phương bức xúc một thời gian dài.